“Ngày hôm qua, có lẽ là một điều chưa có tiền lệ trong lịch sử khi các nhà làm phim tự mở một cuộc tọa đàm cho chính mình trước thềm Quốc hội khi Luật Điện ảnh sửa đổi sẽ được ban hành vào thời gian tới.
Trước đó, câu trả lời của Huy ở đâu đó trên báo thời điểm 2019, chỉ là một vài lát cắt chia sẻ “có che”. Đây là lần đầu tiên từ khi bộ phim “gây bão” dư luận mà người làm ra nó đứng ra công khai “tự thú” về sự tuyệt vọng của mình.
“Đầu tháng 8/2019, khi nhận được thông báo phim vào vòng tranh giải, tôi và nhà sản xuất ngay lập tức gửi phim đi duyệt. Từ lúc đó tới khi “Ròm” được trình chiếu gần 2 tháng, đủ để duyệt 2-3 lần. Tháng 9/2019, Cục Điện ảnh Việt Nam ban hành văn bản gửi Bộ VH-TT-DL, Ban Tuyên giáo cũng như báo chí ngay sau khi “Ròm” có buổi công chiếu đầu tiên tại LHP Busan 2019. Trong đó có 2 nội dung chính:
-1/ Phim “Ròm” phản ánh một số vấn đề của xã hội Việt Nam đương đại dưới góc nhìn cá nhân của đạo diễn Trần Thanh Huy
– 2/Tuy nhiên nội dung phim phản ánh mặt trái quá đen tối của con người, mong muốn đổi đời bằng việc trông chờ vào những con số may mắn. Những tệ nạn xã hội như lô đề, cho vay nặng lãi, mê tín, bạo lực… xuyên suốt cả bộ phim. Bộ phim mô tả quá u ám và thờ ơ về đời sống cá nhân nhân vật trong phim. Kết phim bi quan, bế tắc, không lối thoát, thiếu nhân văn. Câu chuyện phim diễn ra tại TP.HCM nhưng không có sự quan tâm của chính quyền và các cơ quan chức năng; đồng thời phim cũng thể hiện nhiều thông tin tiêu cực, phản cảm, mang ẩn ý không tốt về chính trị, mang màu sắc phê phán chính trị xã hội, thể hiện cách nhìn về đất nước, con người Việt Nam.
Tôi thấy rất mâu thuẫn. Ở trên nói bộ phim được làm với góc nhìn cá nhân của tôi. Đã là góc nhìn cá nhân thì đâu phải là góc nhìn của tất cả? Tôi đâu có đại diện cho ai, đâu có lên tiếng phê phán chính trị xã hội Việt Nam đâu.
“Ròm” là góc nhìn cá nhân của tôi với những điều mà tôi đã nhìn thấy, nghe thấy ở xóm lao động nghèo khu Thị Nghè – nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Ở đó, gia đình tôi với bốn thế hệ sống chen chúc trong một căn nhà chật chội mà không được phép cơi nới, chỉnh sửa. Nhà tôi vào diện giải tỏa từ năm 1994 tới nay đã 27 năm rồi, vẫn chưa được giải quyết di dời. Vì thế, khu nhà tôi ở rất khốn khổ và có rất nhiều câu chuyện bi hài. Ai cũng mong muốn được đổi đời. Ai cũng mong được giải tỏa để có tiền mua nhà mới, thay cái nhà cũ đã xuống cấp suốt hàng chục năm qua. Tôi có nhiều bạn ở chợ Thị Nghè ngày ngày phải mưu sinh kiếm sống từng đồng để có thể nuôi gia đình. Từ khi họ 6,7 tuổi đến khi tôi gặp lại là ba mươi mấy tuổi rồi. Nếu mọi người không tin có thể đến đó kiểm chứng.
Tôi kể những câu chuyện có thật xung quanh tôi. Vậy, tôi bịa đặt hay xuyên tạc chỗ nào mà bị đổ oan? Dù tôi biết mình bị đổ oan nhưng trong thời điểm quyết định của phim, tôi không thể lên tiếng dù chỉ một chữ. Sự liên tưởng mang ẩn ý và ám chỉ đó, chỉ là góc nhìn phiến diện của hội đồng duyệt phim lúc đó mà thôi.
Có một hôm, gần Tết, tôi nhận được một cuộc điện thoại rất cá nhân của một người trong hội đồng. Người đó đưa ra lời khuyên rất cụ thể về việc chỉnh sửa một số chi tiết trong phim của tôi, từng giây một như thế nào. Tôi cũng được yêu cầu loại bỏ hai tuyến nhân vật cực kì quan trọng trong phim. Lý do là, những bối cảnh đó liên quan đến ồn ào giải tỏa đất đai ở Thủ Thiêm. Tránh đụng chạm, khiến người xem liên hệ. Tôi cũng được yêu cầu chỉnh lại đoạn kết của phim: Ròm (lúc lớn) chạy xuống cầu và Ròm lúc nhỏ chạy xuống cầu. Hai cảnh phim tương đồng nhau về góc máy, ánh sáng,… cũng như bối cảnh. Chỉ có khác ở chỗ nhân vật của tôi lúc nhỏ chuyển thành lớn. Đó là cảnh tôi vô cùng tâm huyết vì nó gắn liền với hành trình sản xuất phim “Ròm” trong suốt 8, 9 năm qua. Bởi lẽ, họ muốn phim có một cái kết “happy ending”. Cái kết hiện tại ám chỉ Việt Nam không phát triển, không giúp thân phận trẻ em mồ côi. Chúng ta có mấy trại trẻ mồ côi, sao mấy đứa trẻ không đi vào đó, để được chính quyền giúp đỡ. Và nhiều cảnh khác nữa cũng đã được yêu cầu loại bỏ khỏi bộ phim.
Khi nhận được đề nghị đó, bản thân tôi rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu tôi quyết tâm không chỉnh sửa như đạo diễn Lưu Huỳnh(phim Người Tình chưa chiếu); thì “Ròm” không được duyệt. Các nhà đầu tư, nhà sản xuất sẽ không còn tin vào tôi hay ê-kip của mình nữa vì phim không được ra rạp, không thu lại được tiền. Mọi người sẽ không đầu tư cho tôi trong các dự án thứ hai, ba. Cũng không thể giúp sức cho các bạn trẻ khác để được làm phim.
Vì thế, tôi buộc phải quyết định tự tay cắt phim của mình với rất nhiều áp lực, và bất lực. Khi “Ròm” được công chiếu, nhiều khán giả xem phim nói là không hiểu chỗ này chỗ kia. Rất nhiều bình luận trên facebook mắng chửi chúng tôi.
Tôi làm phim đâu biết cái này tôi không được làm, cái kia tôi không được làm; vì trong luật không nêu rõ điều đó. Tôi cũng không biết rằng, mình không được phép nói thực trạng xã hội, không đụng đến vùng cấm hay không được nói những điều nhạy cảm. Luật có quy định đâu. Chính bản thân tôi khi bắt đầu làm phim, mới chỉ 21, 22 tuổi, hết sức vô tư. Tôi thấy cái gì trong cuộc đời của mình thì mình muốn thể hiện trong phim của mình. Tôi cũng chẳng hề muốn phim “Ròm” trở thành công cụ chính trị hay mọi người nâng cao quan điểm của cá nhân tôi thành quan điểm của tất cả mọi người. Tôi không cần điều đó.
Tại sao không hỗ trợ, giúp đỡ các nhà làm phim? Chúng tôi rất khó khăn để làm phim, rồi khó khăn để một liên hoan phim đàng hoàng ở châu Á nhận phim; rồi sau đó, nhận được giải cao nhất tại đây. Cuối cùng, phải nhận cái “án phạt” vì gửi phim đi dự Busan mà không xin phép.
Tôi cũng xin nhắc lại, đây là một giải thưởng chính thống chứ không phải giải bên lề hay giải phụ mà vài tờ báo, trang tin nói. Xin hãy tôn trọng công sức của ê-kip chúng tôi”.”(Nguồn recap từ buổi livestream)
“6 LÝ DO RÒM BỊ CẤM CHIẾU LẦN ĐẦU KIỂM DUYỆT :
1. “Phản ánh mặt trái quá đen tối của những con người mong muốn đổi đời bằng “lô, đề”
2. Những tệ nạn xã hội xuyên suốt bộ phim
3. Miêu tả “u ám”, “thờ ơ” về các nhân vật
4. Kết phim bi quan, bế tắc, không lối thoát, thiếu nhân văn
5. Những sự kiện trong phim diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng không có sự giám sát của cơ quan chức năng
6. Ẩn ý chỉ trích, phê phán chính trị, thể hiện cái nhìn không tốt về đất nước và con người Việt Nam
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Hội đồng trung ương chuyên làm công việc thẩm định và phân loại phim truyện, đã lên tiếng với tư cách một người làm chuyên môn: “Tôi đánh giá đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy là một đạo diễn tài năng, tâm huyết, chịu khó tìm tòi. Ròm nếu được sửa chữa thì rất tốt.” Ông khẳng định. Khi phóng viên báo Tuổi Trẻ hỏi cụ thể hơn: “Vậy là Ròm cần phải chỉnh sửa những yếu tố gì thì mới được công chiếu?”, ông Hiệp cho biết ông chưa thể trả lời cụ thể vì quyết định cuối cùng thuộc về Cục Điện ảnh.”(nguồn Tuổi Trẻ)