Trong quá trình làm việc, tôi đã nhận ra, hết lần này đến lần khác, rằng nếu cấu trúc cảm xúc bên ngoài của một bộ phim được đặt nền tảng trên ký ức của tác giả, nếu những ấn tượng về đời sống cá nhân của anh ta được chuyển thành hình ảnh trên màn bạc, thì bộ phim sẽ có sức mạnh để lay động người xem. Nhưng nếu một cảnh quay được sắp đặt chỉ thuần túy bằng trí óc, tuân theo các nguyên lý của văn chương, thì dù họ có dựng nó một cách tận tâm và thuyết phục đến đâu, nó cũng chỉ được khán giả đáp lại một cách lạnh nhạt. Trên thực tế, dù nó có thể khiến đôi người cảm thấy thú vị và hấp dẫn khi mới ra lò, nó sẽ không có sức sống và không chịu được thử thách của thời gian.
Nói cách khác, vì bạn không thể sử dụng trải nghiệm của khán giả theo cách mà văn chương làm, tức cho phép sự “đồng hóa mang tính thẩm mỹ” diễn ra trong ý thức của mỗi người đọc – trong điện ảnh, điều đó thật sự không khả thi – bạn phải truyền đạt trải nghiệm của chính mình với sự chân thành lớn nhất có thể. Điều này không dễ, muốn làm được nó, bạn phải rèn luyện bản thân! Chính vì thế mà ngày nay, khi đủ các loại người đã có khả năng làm phim – nhiều người trong số họ chỉ đơn giản là học xong nghề – số bậc thầy điện ảnh trên toàn thế giới vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tôi cực lực phản đối cách Eisenstein sử dụng khung hình để mã hóa các công thức đơn thuần mang tính trí óc. Phương pháp tôi dùng để truyền đạt trải nghiệm cho khán giả khá là khác. Tất nhiên phải nói rằng Eisenstein không cố truyền đạt trải nghiệm của mình cho bất kỳ ai, ông muốn truyền đạt những ý tưởng, thuần túy và đơn giản; nhưng với tôi, kiểu điện ảnh đó hoàn toàn độc hại. Hơn nữa, theo tôi thấy, thì quy tắc dựng phim của Eisenstein mâu thuẫn với chính cơ sở của quá trình duy nhất mà nhờ nó bộ phim tác động đến khán giả. Nó tước mất của người xem cái đặc quyền của phim ảnh, thứ liên quan đến khác biệt giữa ảnh hưởng của phim ảnh lên người xem và ảnh hưởng của văn chương hoặc triết học lên người đọc: đó là cái cơ hội được sống những gì đang diễn ra trên màn ảnh như thể đó là đời sống của chính mình, để tiếp nhận, như thể của chính mình và rất riêng tư, cái trải nghiệm được in lên thời gian trên màn ảnh, liên hệ đời mình với những gì đang được chiếu.
Eisenstein biến suy nghĩ thành một kẻ chuyên quyền: nó không để lại không khí, không chừa chỗ cho điều khó nắm bắt mà ta không thể diễn đạt thành lời, thứ có lẽ là phẩm chất quyến rũ nhất của mọi tác phẩm nghệ thuật, và thứ giúp một cá nhân có thể liên tưởng bản thân mình với một bộ phim. Tôi muốn làm những bộ phim không mang tính chất khoa trương, tuyên truyền, mà mang đến một trải nghiệm thân thuộc ở mức sâu sắc. Làm việc theo hướng này, tôi ý thức được trách nhiệm của mình với người khán giả, và tôi nghĩ mình có thể mang đến cho anh ta những trải nghiệm độc đáo và cần thiết mà vì chúng anh ta thận trọng bước vào rạp chiếu phim tối tăm.
Bất cứ người nào sẵn lòng đều có thể xem phim của tôi như nhìn một mặt gương, nơi họ thấy chính mình trong đó. Khi tư tưởng của một bộ phim được ban cho những hình thức giống như đời sống thực, và ta tập trung vào chức năng cảm xúc của nó hơn là vào những công thức trí óc của điện ảnh chất thơ (nơi người ta không giấu mục đích tạo ra một vật chứa cho các ý tưởng), thì khán giả có thể thông cảm với tư tưởng ấy dưới ánh sáng của trải nghiệm cá nhân.
Tôi đã nói ở trên rằng người làm phim cần luôn che giấu thành kiến cá nhân. Dù việc trưng thành kiến ra có thể mang đến cho bộ phim một sự liên quan lập tức đến chủ đề, ý nghĩa của nó sẽ bị giới hạn trong cái lợi nhất thời ấy. Nếu muốn tồn tại lâu dài, nghệ thuật phải đào sâu vào bản chất của chính nó; chỉ bằng cách ấy, nó mới có thể phát huy hết cái tiềm năng độc đáo trong việc tạo sự cảm thông, điều chắc chắn là phẩm chất giúp xác định nó, và không hề liên quan đến tuyên truyền, báo chí, thương mại, triết học, hay bất cứ nhánh tri thức hoặc hiện tượng xã hội nào khác.
Tác phẩm nghệ thuật tái hiện một cách chân thực một hiện tượng thông qua nỗ lực xây dựng lại toàn bộ cấu trúc sống của những kết nối bên trong nó. Và ngay cả trong điện ảnh, nghệ sĩ cũng không có sự tự do lựa chọn khi anh ta chọn lọc và kết hợp các dữ kiện từ một tảng thời gian – dù cái khối đó có dày và sâu rộng đến mức nào đi chăng nữa. Nhân cách của anh ta, từ sự hòa hợp nội tại của nó và từ nhu cầu của nó, sẽ ảnh hưởng đến cả lựa chọn mà nó đưa ra lẫn quá trình ban sự thống nhất về mặt nghệ thuật cho những gì được chọn…
– Trích Chương 7 sách “Điêu khắc Thời gian”, Andrei Tarkovsky.